Từ nhiều đời nay, cùng với Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ là dịp lễ Tết quan trọng của người Việt. Theo tục lệ xưa, người Việt thường cúng vào sáng sớm, thế nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ, tức là giữa trưa ngày 5/5 Âm lịch. Bởi vì cắt nghĩa từ “Đoan Ngọ” sẽ thấy: “Đoan” nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là giờ Ngọ rơi vào khoảng thời gian từ 11h-13h.
Lý do có Tết Đoan Ngọ là bởi vào khoảng thời gian này là giai đoạn chuyển mùa, tiết trời nóng bức nhất năm và sâu bọ, côn trùng sẽ được dịp sinh sôi, phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Người xưa tổ chức lễ Tết này với quan niệm cầu cho tai qua nạn khỏi và mùa màng bội thu. Cũng vì vậy, ngày Tết này còn có tên gọi khác là Tết diệt sâu bọ.
Dưới đây là một số món ăn truyền thống mà người dân thường dùng trong ngày Tết Đoan Ngọ:
Mâm quả
Cũng như bao nghi lễ khác, mâm quả luôn là thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình Việt. Tùy theo quan niệm của từng vùng miền mà lựa chọn các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ khác nhau. Mâm quả thường sẽ có bưởi, vải, xoài, mận, dưa hấu, chôm chôm,…
Mâm quả. Photo: FB Tô Hưng Giang
Rượu nếp
Tết Đoan Ngọ, mỗi gia đình sẽ có một kiểu bày biện hoa quả riêng, duy chỉ có rượu nếp là không thể thiếu vắng. Các cụ vẫn bảo, ngày này, món ăn đầu tiên phải là rượu nếp rồi mới đến các thức khác, có vậy thì ngày Tết Đoan Ngọ mới tròn trịa.
Người xưa quan niệm rằng các loại thức ăn có đủ vị chua, cay, ngọt và tính nóng, độ nồng sẽ có khả năng tiêu diệt các loại ký sinh trùng, vi khuẩn trong cơ thể. Và rượu nếp chính là món ăn hội tụ đủ các yếu tố đó.
Rượu nếp cả ba miền đều có và mỗi nơi sẽ có công thức làm đặc trưng. Tuy gọi là rượu nhưng rượu nếp không uống mà là ăn. Vị cay cay, thơm nồng của món ăn này không chỉ được người lớn ưa thích mà đến bọn trẻ con cũng mê tít.
Bánh tro
Bánh tro (hay còn được gọi là bánh gio, bánh ú tro, bánh nẳng, bánh âm,…) được người Việt quan niệm rằng có thể khiến bệnh tật tiêu tan.
Bánh tro có màu vàng đậm do gạo nếp được ngâm từ nước tro đốt bằng củi các loại cây khô, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc. Nhân bánh tro có thể mặn, ngọt hoặc không nhân.
Bánh mềm, vị nhạt và có tính mát. Bánh thường được ăn cùng với mật hoặc đường. Mỗi vùng sẽ có một kiểu gói bánh khác nhau, có nơi gói hình thuôn dài, cũng có nơi là hình chóp tam giác.
Bánh trôi nước. Photo: Kenh14
Thịt vịt
Theo quan niệm người xưa, vào ngày này dương khí mạnh nên ăn thịt vịt có tính hàn sẽ giúp giải nóng, làm mát cơ thể. Đây là món ăn phổ biến của miền Trung và miền Nam.
Thịt vịt luộc. Photo: luquaygavit.com
Chè trôi nước
Chè trôi nước không chỉ phổ biến trong ngày Tết Hàn Thực (ngày 3/3 Âm lịch) mà nó còn là món ăn được nhiều người ưa chuộng vào dịp Tết Đoan Ngọ.
Theo quan niệm dân gian thì món ăn được làm từ gạo nếp có khả năng diệt sâu bọ tốt. Và hiển nhiên trong đó có chè trôi nước. Thường thì trên bàn thờ tổ tiên, đi cùng với mâm quả chính là một bát chè trôi nước.
Chè trôi nước. Photo: Điện Máy Xanh
This content is also available in: English