Vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam mang tới một đường bờ biển dài, rừng rậm, đồng bằng và núi cao, với nhiều loại động thực vật sinh sống. Những phước lành này từ mẹ thiên nhiên, cùng với nền văn hóa phong phú và sự tháo vát của người Việt, được thể hiện qua các phong tục ẩm thực đa dạng và các món ăn vùng miền. Ngoài phở và bánh mì thường gặp, vẫn còn nhiều món ăn chưa được khám phá. Dưới đây là một vài đặc sản Việt Nam ít được biết đến. Mặc dù những món này rất kén người ăn, điều quan trọng là chúng ta phải tiếp cận tất cả với sự tôn trọng và cởi mở.
Tiết canh

Tiết canh được làm từ huyết sống của heo, ngan và vịt (những lựa chọn phổ biến nhất), nhưng cũng có thể từ dê, rắn hoặc hải sản. Để làm món này, đầu tiên người nấu phải trộn huyết tươi với nước mắm hoặc nước muối để cho huyết không đông lại. Sau đó, họ luộc thịt và mề, thái nhỏ và cho vào chén. Khi phục vụ, người nấu múc huyết đã được pha loãng với nước dùng nóng lên trên thịt. Cuối cùng, tiêu, ớt, bạc hà, đậu phộng và các loại rau thơm được thêm vào ở trên mặt huyết.
Tiết canh là một món phổ biến ở miền Bắc Việt Nam, nhưng việc tiêu thụ tiết canh đã giảm trong những thập kỷ qua vì nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn và vi rút từ huyết sống khá cao.
Một số loại sâu
Việc ăn sâu đã được ghi nhận ở khắp các nền văn hóa và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số loại sâu còn được khoa học chứng minh là giàu protein và chứa hàm lượng khoáng cao như sắt, đồng, mangan và kẽm. Tuy nhiên, không phải sâu nào chúng ta cũng có thể ăn được, tùy thuộc vào điều kiện đất và môi trường sinh sống của chúng.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta thường thấy đuông dừa, được coi là loài động vật gây hại, vì chúng sống bên trong thân cây dừa và ăn hết dinh dưỡng của cây. Việc nuôi đuông dừa là bất hợp pháp, vì vậy người ta phải kiếm chúng từ những cây dừa già, đẩy giá của đuông dừa lên khoảng 500,000 đồng (29 đô la Canada) cho một kg vào một thời gian. Đuông dừa có thể ăn sống với nước mắm, chiên giòn hoặc nướng. Chúng được cho là có thể cải thiện sức khỏe tình dục cho nam giới.

Về phía Bắc, người ta thường thích ăn sâu măng, một loại sâu sống trong các thân cây tre già. Những con sâu này phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt. Vào mùa mưa, cư dân ở các tỉnh Sơn La và Thanh Hóa vào rừng tìm những cây tre hơi cong, có vỏ ngoài hơi thâm, dấu hiệu nơi có sâu măng sinh sống. Sâu măng có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau, bao gồm luộc, chiên giòn và xào với lá chanh. Những con béo nhất được nướng trước khi lên men trong rượu.

Chuột đồng
Chuột đồng sống trong đồng ruộng và ăn lúa nên hoàn toàn khác với loại chuột ăn tạp ở cống rãnh. Chuột đồng là món đặc sản của các tỉnh miền Tây Nam Bộ Việt Nam, nơi nghề trồng lúa là hoạt động nông nghiệp chính. Một số người còn nói rằng chuột đồng có vị như thịt gà! Khi thu hoạch lúa, nông dân cũng đặt bẫy để bắt chuột, vì lúc đó chuột thường đã ăn no từ vụ lúa chín.

Chuột đồng rất đa dạng và thường xuất hiện trong nhiều món ăn khác nhau. Món nổi tiếng nhất là chuột quay lu. Những con chuột được treo trên một sợi dây vắt ngang trên một cái lu (một loại bình chứa nước phổ biến ở Nam Bộ), được làm chín từ từ bằng lửa nhỏ bên trong lu.
Côn trùng
Tương tự như sâu, côn trùng được tiêu thụ rộng rãi trên thế giới vì hàm lượng protein cao. Người ta thường ăn dế và châu chấu. Các loài côn trùng khác ít phổ biến hơn là bọ xít, bọ hung và cà cuống.

Bọ xít là đặc sản của người Thái, một dân tộc sống ở vùng núi Sơn La, Tây Bắc Việt Nam. Để loại bỏ mùi hôi, người nấu ngâm bọ trong nước muối vài giờ, sau đó đun sôi chúng trong nước măng chua cho đến lúc cạn nước. Khi những con bọ đã ráo nước, chúng được ướp với ớt, tỏi và muối, trước khi rang trên lửa lớn. Việc sử dụng lá chanh thái nhỏ cũng sẽ giúp giảm mùi hôi .

Cà cuống được biết đến với vị thơm và ngọt thường được dùng làm nước chấm cho món bánh cuốn. Chúng cũng có thể được chiên và nướng với các loại gia vị khác nhau.
Nậm pịa
Đây là một đặc sản khác của nhiều dân tộc sống ở Tây Bắc Việt Nam. Trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là “súp”, còn “pịa” là chất bài tiết bên trong ruột động vật. Những động vật này là động vật ăn cỏ như bò, dê, trâu nên chất bài tiết thường có màu xanh như cỏ.

Cách chế biến và nêm nếm món ăn này khác nhau giữa các vùng. Khi con vật được giết mổ xong, ruột non của nó được cắt ra một cách khéo léo để giữ nguyên chất bài tiết để nấu sau đó. Tiếp theo, người ta hầm xương và nội tạng trong nhiều giờ đến khi hương vị đậm đặc rồi thêm chất bài tiết khi nãy để dành vào súp. Nhiều loại gia vị tạo mùi thơm như sả, gừng và lá chanh được sử dụng. Người dân tin rằng món ăn này có thể chữa say rượu rất tốt, nên thường được phục vụ trong các bữa tiệc và đám cưới của làng.
This post is also available in: English