Nếu là một người sành ăn trong ẩm thực Việt thì ắt hẳn bạn đã biết sự xuất hiện của lá chuối trong các món ăn nhiều đến mức không ai đếm xuể. Vi vu chạy xe trên đường, ta cũng bắt gặp đôi ba chỗ bán xôi gà, xôi mặn được gói lại bằng tàu lá chuối xanh mướt. Đến các nhà hàng, quán ăn, đôi khi cũng có vài món được trang trí bằng lá chuối. Một số đặc sản ở các địa phương từ Bắc chí Nam như bánh giò, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh tét, bánh ú, bánh ít,… từ bao đời nay đều phải có lá chuối “che chở” thì mới trọn vẹn.
Sự thân quen của tàu lá ấy khiến chúng ta nghiễm nhiên xem đó là một phần tất yếu phải có trong công thức chế biến của một số món ăn. Vậy, lý do gì khiến lá chuối trở nên thông dụng với ẩm thực Việt đến thế?
Tiện dụng và rẻ
Điều đầu tiên phải nói đến chính là tính tiện dụng và giá thành rẻ của lá chuối.
Cây chuối là loài cây được trồng nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực Nam bộ. Chính vì vậy, người ta sử dụng lá chuối để gói các món ăn mà chẳng lo bị thiếu. Chỉ với độ chừng 8.000 – 12.000 VNĐ là đã có ngay 1kg lá chuối.
Với đặc tính không thấm nước, cũng không mất nhiều thời gian cho việc cọ rửa và dùng một lần rồi bỏ được (lá chuối là rác hữu cơ vô cùng dễ phân hủy) nên lá chuối là một lựa chọn hoàn hảo để gói các loại thực phẩm.
Không độc hại
Không chỉ thành phần trong món ăn mà cách bảo quản, cách chứa đựng thực phẩm cũng được quan tâm bởi lẽ tất cả những điều đó ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe con người.
Ngày nay, việc sử dụng túi nilon hay đĩa nhựa để đựng thực phẩm trở nên phổ biến. Vốn dĩ, các loại nhựa khi tiếp xúc với thực phẩm nóng có thể xuất hiện phản ứng hóa học khiến món ăn biến chất, ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe. Vì vậy, việc sử dụng lá chuối là một trong những cách bảo vệ sức khỏe con người vì nó không tạo ra các phản ứng hóa học, các chất độc hại.
Lớp sáp trên bề mặt lá chuối
Tuy không có nhiều tài liệu hay giải thích khoa học nào chính thức xác nhận, thế nhưng từ thời ông bà xưa cho đến hiện tại, người ta đều tin rằng trên bề mặt của lá chuối có một lớp sáp mỏng. Khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng ở mức vừa phải thì lớp sáp sẽ chảy ra và phủ lên món ăn một lớp màng. Loại sáp này không chỉ có mùi thơm dịu, tẩy bớt phần nào mùi hăng của món ăn mà còn tạo nên độ bóng khiến món ăn trông hấp dẫn hơn.
Chứa chất chống oxy hóa
Trong lá chuối có chưa một hợp chất là polyphenols (tương tự như trong lá trà xanh). Hợp chất này có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh tật.
Bởi vì không dễ tiêu hóa khi ăn trực tiếp nên ông bà ta chưa bao giờ chế biến món ăn từ lá chuối mà chỉ dùng nó để gói các món ăn khác – đây cũng là một cách tốt giúp hấp thụ dinh dưỡng từ lá.
Là phông nền hoàn hảo cho món ăn
Không thể phủ nhận rằng màu xanh mướt mắt của lá chuối chính là phông nền hoàn hảo để trang trí cho món ăn, đặc biệt là các món bánh Việt. Đó cũng chính là lý do mà rất nhiều nhiếp ảnh gia ẩm thực thường lựa chọn lá chuối (thay vì giấy báo) để trang trí cho món ăn.