Đôi đũa đã xuất hiện trong văn hóa người Việt từ rất lâu rồi. Trong đó, nhiều tài liệu ghi chép cho rằng đũa ra đời từ nền văn minh lúa nước. Vì gắn bó như hình với bóng với đời sống sinh hoạt của con người Việt Nam, thế nên lẽ đương nhiên đây là một trong những nét đặc trưng của văn hóa Việt chính là đũa.
Văn hóa dùng đũa của người Việt
Đũa không đơn thuần là một công cụ để ăn mà còn thể hiện sự khéo léo, tinh tế của một nền văn minh lâu đời và đáng tự hào. Người Việt Nam dùng đũa để gắp, xẻ, trộn, nghiền hay nâng món ăn.
Về cơ bản, đũa có hình dạng là những que thẳng, phần đầu thường to hơn và nhỏ dần. Theo quan niệm của người Việt, lúc nào cũng phải có đôi có cặp và đũa cũng không ngoại lệ. Đũa có nhiều loại: ngoài đũa ăn thường ngày thì còn có đũa cả, đũa bếp.
Đũa Việt Nam thường có thân tròn và để mộc, tức không sơn, không trang trí. Tùy vào từng vùng miền mà nguyên liệu làm đũa có sự khác biệt. Ví như đũa ở miền Bắc thường được làm từ tre, còn ở miền Nam thì được làm từ gỗ dừa, hoặc gỗ cau.
Quy tắc dùng đũa của người Việt
Trong mâm cơm của người Việt, việc sử dụng đũa giống như “ẩn ngữ vô ngôn” với những quy tắc riêng, muôn đời không đổi.
Vậy dùng đũa thế nào cho đúng?
Ngay từ bé, người Việt đã dạy con cái họ cách cầm đũa. Đầu tiên phải so đũa cho đều nhau, chú ý đến đầu đũa có đúng hướng hay không. Dùng ba đầu ngón tay – ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa – nhẹ nhàng cố định đũa. Vị trí đẹp để cầm đũa là giữa 1/3 – 2/5 đầu trên, không thấp quá cũng không cao quá, không quá chặt cũng không lỏng lẻo.
Một số điều KHÔNG NÊN khi dùng đũa:
- Không dùng đũa cá nhân của mình khuấy vào tô, dĩa ăn chung trong mâm cơm.
- Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm.
- Không nhúng đầu đũa vào bát nước chấm.
- Không được cắn răng hay ngậm vào đũa.
- Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng mà phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn.
- Không được vừa cầm đũa vừa hoa tay múa chân kể chuyện.
- Không gõ đũa vào nhau hay vào bát tạo nên tiếng động ồn ào.